Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đã từng chia sẻ về những tác phẩm của họa sĩ Trịnh Quốc Chiến rằng: “Ngôn ngữ trong tranh sơn mài Trịnh Quốc Chiến là một tiếng nói khẽ, khẩn cầu, nhân bản mà hội họa hiện đại Việt Nam bởi những bận rộn lớn lao của thời cuộc đã đành nhiều năm không vương vấn. Khi xem tranh của Trịnh Quốc Chiến chúng ta thấy hình tượng hội họa của họa sỹ không bao giờ bị nhốt chặt trong thể xác hình và sắc của nó. Hay nói theo một cách khác, hình tượng của họa sỹ Trịnh Quốc Chiến không đóng khung trên tấm vóc mà nó miên man trong ý tưởng người xem. Nghĩa là thông báo nghệ thuật của nó không đơn phương và chỉ nhằm gửi cho ai cụ thể. Nó không bao giờ được (hay bị) khai thác kiệt cùng mà cứ cùng mỗi người xem, mỗi lần xem mà lại nhân lên mãi.”
Những tác phẩm của Trịnh Quốc Chiến, đặc biệt về chủ đề tôn giáo luôn khắc khoải và bận rộn trong những suy nghĩ. Cho dù là câu chuyện về niềm tin nhưng những tác phẩm lại gợi lên về chủ nghĩa hiện sinh khá nhiều, đặt ra câu hỏi lẫn câu trả lời cho người đang tìm kiếm chân lý: chúng ta là người tạo ra ý nghĩa của riêng ta.