Nguyễn Thế Dung

Có điểm gì chung giữa một đám người đông đúc nhưng giống nhau trong nếp sống, trong suy nghĩ, trong cả những thói quen, những hành vi nho nhỏ và một đàn bò? Có gì chung giữa một đàn bò ngoan ngoãn theo thói thường và một đám đông (người) thường tình? Với họa sĩ Nguyễn Thế Dung, câu trả lời của anh chính là hình tượng tạo hình lai ghép Bò - Người. Trong nhiều năm sáng tác, đầu và khuôn mặt bò, đôi tay người được nhấn mạnh, tả với ánh sáng, vờn khối theo kỹ thuật cổ điển, và lặp đi lặp lại cả trong những bức tranh lẫn tác phẩm điêu khắc. Đối lập lại, toàn bộ phần thân người, với quần, áo kẻ sọc, cà vạt đến những bục, đệm, sàn nhà… hay không gian đều chỉ là những mảng bệt ước lệ, với ngôn ngữ đồ họa phẳng. Ở một số chi tiết, họa sĩ cố tình xử lý tạo hiệu ứng cắt ghép, Pop hóa như một điểm nhấn hay ẩn dụ về thị giác. Tất cả những con bò của Nguyễn Thế Dung đều không đầu, thay vào đó là những đầu người. Một chuyển hóa từ thực sang siêu thực, từ có lý sang vô lý. Những đầu bò - bàn tay, xòe ra, ngửa ra, nắm lấy đuôi mình, nắm lấy chân sau của mình, nắm tay nhau. Giằng co, giằng xé, phẫn uất hay nhẫn nhục. Gọi là những con bò cũng được mà gọi là một con bò cũng không sai hay đó là Đàn bò một con? Bởi vì tất cả đều giống nhau, dính với nhau, chồng lên nhau, xếp hàng ngang hay dọc, to dần đều, nhỏ dần đều, đậm dần, nhạt dần. Sự giống nhau và sự vô lý sẽ sinh ra hàng loạt câu hỏi tại sao. Tại sao lại mình bò đầu tay người? Tại sao lại là những con bò giống hệt như nhau từ tư thế, hình dáng đến màu? Tại sao những con bò cứ dính lấy nhau? Tại sao lại là mình người đầu bò? Tại sao lại im lặng đến bất động như thế? Khác với những sinh vật huyền thoại xuất phát từ thần thoại Hy Lạp (kiểu nhân sư, hay nhân mã, nhân ưng…) mang màu sắc thần thánh, thiêng liêng; bò - người của Nguyễn Thế Dung là một hình ảnh thế tục, mang tính ẩn dụ, ngầm ẩn sự giễu nhại với đời sống con người hôm nay. Một đời sống đầy đủ vật chất, tiện nghi, góp phần sinh sôi một tầng lớp trưởng giả mới với đời sống tinh thần sơ sài. Một đời sống được hình thành từ những niềm tin và chân lý sơ giản, lai căng trong thời đại được gọi là toàn cầu hóa” - theo nhà văn Lê Anh Hoài.
NGUYỄN THẾ DUNG
Sinh năm 1985 tại Thanh Hóa, Việt Nam
2008: Tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội
2011: Học thạc sỹ hội họa tại trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội
TRIỂN LÃM CÁ NHÂN:
2012: Triển lãm “Nguyễn Thế Dung: Bò – Con người”, tại Trung tâm nghệ thuật Việt,Hà Nội.
2011: Triễn lãm “Đàn bò” tại phòng tranh nghệ thuật đương đại Cactus, thành phố Hồ Chí Minh
TRIỂN LÃM NHÓM:
2011: Triển lãm tranh và in ấn quốc tế tại Bangkok, Thái Lan
Tham gia Triển lãm quốc gia dành cho những họa sỹ trẻ do Bộ Văn hóa TT-VH & Du Lịch tổ chức
2010: Triển lãm “Một ngày”, tại trung tâm Sáng Tạo Trung Nguyên, Hà Nội
Triển lãm “Từ bỏ” tại trung tâm nghệ thuật Việt, Hà Nội
2007: Tham gia và giành giải thưởng của triển lãm Mỹ thuật sông Hồng tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam
2006: Tham gia triển lãm tranh tại Đức.
“Chọn bò để vẽ đơn giản là vì tôi muốn vẽ những gì thân thuộc với mình.Tôi sinh ra ở một vùng quê, nơi đó, tôi đã từng chăn trâu cắt cỏ, làm ruộng nên hình ảnh của con bò quá đỗi thân thuộc với tôi. Và trong quá trình tìm tòi, quan sát và học hỏi, từ những trải nghiệm của cuộc sống tôi muốn chia sẻ một quan điểm và cách nhìn nhận về một vài hiện tượng trong xã hội hiện nay. Sống trong thời đại mà con người bị chi phối rất nhiều bởi công nghệ phát triển khiến cho sự phát triển của con người đôi khi cũng đi vào lối mòn. Bên cạnh sự phát triển rập khuôn với chính mình, người ta còn có xu hướng sống chạy theo số đông hay nói đơn giản, đó là văn hóa “bầy đàn”. Vì thế mà họ có thể khoác trên mình một bộ cánh lịch lãm nhưng lại ở trong hình hài đầu “Đầu bò”
Nguyễn Thế Dung tự bạch
ĐÀN BÒ MỘT CON
Đề tài trong nghệ thuật là một khoảng hiện thực. Mỗi nghệ sĩ thường có một đề tài ruột, tức là cái hiện thực cuộc sống mà anh ta thuộc nhất. Nhưng biểu tượng nghệ thuật thì lại không phải như vậy, cho dù cái biểu tượng đó cũng vẫn là trong đời sống mà ra. Biểu tượng có lẽ là sự ám ảnh của tác giả, tại sao anh ấy không “chọn” cái này, vật này, con này mà lại là những cái kia làm biểu tượng nghệ thuật cho mình. Điều này liên quan đến trải nghiệm sống trong quá khứ, có thể rất lâu rồi, liên quan đến những biến cố tinh thần và một loạt những khu vực khác như ký ức, tâm lý. Ám ảnh nghệ thuật thông qua biểu tượng không đến mức bất khả giải nhưng cũng gần như thế.
Với hoạ sĩ Nguyễn Thế Dung là con bò. Biểu tượng nghệ thuật của Dung là con bò. Dung ám ảnh con bò. Con bò là biểu tượng nghệ thuật của Nguyễn Thế Dung có nghĩa là con bò không phải là đích đến, không phải là đối tượng để mô tả mà là phương tiện để Dung bộc lộ, giãi bày thế giới nội tâm của mình.
Cho nên tuy Dung sử dụng bút pháp tả thực, có ánh sáng, có đậm nhạt, diễn khối chính xác kỹ lưỡng nhưng chẳng con bò nào hoàn chỉnh cả, chẳng con nào đầy đủ cả tuy ai cũng nhận ra đó là những con bò. Tất cả những con bò của Dung đều không đầu, thay vào đó, mọc từ đó ra là những bàn tay, tay người. Thế là đã từ thực sang siêu thực, từ có lý sang vô lý. Những đầu bò – bàn tay, xòe ra, ngửa ra, nắm lấy đuôi mình, nắm lấy chân sau của mình, nắm tay nhau. Giằng co, giằng xé, phẫn uất hay nhẫn nhục. Gọi là những con bò cũng được mà gọi là một con bò cũng không sai hay đó là Đàn bò một con? Bởi vì tất cả đều giống nhau, dính với nhau, chồng lên nhau, xếp hàng ngang hay dọc, to dần đều, nhỏ dần đều, đậm dần, nhạt dần. Sự giống nhau và sự vô lý sẽ sinh sự sự sinh, sinh nghĩa thông qua một loạt câu hỏi tại sao. Tại sao lại mình bò đầu tay người? Tại sao lại là những con bò giống hệt như nhau từ tư thế, hình dáng đến màu? Tại sao những con bò cứ dính lấy nhau? Tại sao lại là mình người đầu bò? Tại sao lại im lặng đến bất động như thế?
Cách lập ý kiểu hóa thân như vậy đã là một phương pháp sáng tác, không chỉ với hội họa, không chỉ bây giờ, đông tây xưa nay đều đã có. Tuy mỗi thời mỗi khác, mỗi nghệ sỹ mỗi khác. Họ phải tìm cách hóa giải hoàn cảnh hóa thân theo cách của mình để bật ra được ý nghĩa, một ý nghĩa đặc biệt nào đó mà không hóa thân thì không thể có, thì vô nghĩa.
Hội họa không phải là văn học để tả kể, nó cũng không minh họa cho một ý tưởng văn học nào. Nhưng hội họa hôm nay khác trước, nó không chỉ tập trung vào cái nhu cầu duy mỹ của thị giác, hội họa hôm nay cần phải đưa ra một “câu chuyện”, một “câu hỏi”. Nguyễn Thế Dung đưa ra những câu hỏi. Nếu có thể trả lời được thì cũng chưa chắc đã đúng. Đó chỉ là một cách hiểu, một phần nhỏ của câu trả lời. Những con bò nằm phủ phục trên những bậc thang trải thảm đỏ là một sự tương phản thành thị nông thôn, tương phản giàu nghèo, nghiêm trang và xô bồ. Những anh chàng thời trang công sở, sơ mi kẻ, comple, giày đen bóng giống nhau như đúc, đều mình người đầu bò, mắt mở thao láo. Người là bò, bò là người. Cái xuất xứ gốc nông dân hay là những cái kệch cỡm của những người thành phố thích học cái xấu của nông thôn và ngược lại những người nông dân chỉ ưa cái không hay của thành phố. Cách bố cục xếp đặt, những con bò giống nhau xếp hàng trên một cái nền phẳng không xác định gợi đến cách hiểu về tâm lý bầy đàn đang rất hot trong xã hội hiện nay, từ ăn mặc đến suy nghĩ thậm chí vui, buồn cũng giống nhau. Đua nhau theo mốt, buồn theo mốt, vui cũng theo mốt.
Xem tranh của những lớp họa sĩ trước thì thấy ngay xấu đẹp, qua tranh người xem sẽ có một cảm giác hân hoan, lạc quan, mơ mộng cũng có thể cảm thấy buồn. Xem tranh của những người trẻ hôm nay xem được lâu hơn, không dễ thấy ngay; tranh hôm nay không quá khắt khe chuyện đẹp xấu, vui buồn. Với những “câu hỏi” trong tranh kiểu như của Nguyễn Thế Dung, người xem được băn khoăn, được đánh thức về một điều gì đó, được tự vấn, được hoang mang, được tự đi tìm lời đáp cho mình.
Nguyễn Thế Dung xuất phát là tả thực nhưng không thuần hội họa mà có pha ngôn ngữ đồ họa ở phần nền nhẵn, phẳng ít chuyển đậm nhạt và phần tạo hình lặp đi lặp lại, lược bỏ chi tiết, bố cục đơn giản. Tiếp theo là sự dịch chuyển qua siêu thực và ít nhiều pop-art. Dung sở hữu một bảng màu không quen thuộc, những màu, những sắc như vọng về từ đâu đó với những tím tái, hồng nhạt, vàng ố, ghi xám gợi đến sự u hoài, trăn trở, tiếc nuối. Đời sống tinh thần của Nguyễn Thế Dung là vậy, hội họa của Dung là như vậy.